• Online: 1 Lượt truy cập: 52337
  •   Cô giáo Song Đào làm nhang sinh học

  • Từ suy nghĩ muốn sản xuất loại nhang an toàn cho sức khỏe, cô giáo dạy Sinh học (Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam- Bến Tre)- Ngô Song Đào đã nghiên cứu và cho ra đời nhang sinh học Thiên Phúc- không hóa chất độc hại, an toàn khi đốt, xua được côn trùng, được chế biến từ lá quao và thuốc Bắc.
  • Nhang sinh học từ lá quao

    Sinh ra và lớn lên ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, từ ngày còn nhỏ, cô Song Đào đã biết lá quao mọc ở các mé sông khi đốt có tác dụng chống muỗi. Khi trở thành giáo viên sinh học với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cô Song Đào bắt đầu ý tưởng “Làm sao để lá quao thành nhang và cho nhang cháy vì trong lá quao không có tinh dầu?”

    Cô Song Đào (bìa phải) cùng cô Lan bên sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc.

    Đi sâu tìm hiểu, cô Song Đào đã kết hợp với các loại thuốc Bắc có tinh dầu cho nhang cháy vừa thắp hương tâm linh vừa xua được muỗi”.

    Nghĩ là làm, cô giáo đi đến những hộ dân làm nhang trong huyện cách nhà 40km để “học nghề”, sau khi thạo nghề thì cô Đào bắt tay vào việc.

    Ý tưởng sản phẩm đầu tiên ra đời năm 2013, sau “16 lần chỉnh đi sửa lại” mãi đến năm 2016, dự án nhang sinh học của cô Đào mới thành công và sau đó đã đạt giải khuyến khích cấp quốc gia về cuộc thi khởi nghiệp năm 2017.

    Nhờ giải thưởng ấy, cô Song Đào được Quỹ Hợp tác công tư hỗ trợ vốn khởi nghiệp hơn 500 triệu đồng. Cô Đào đã cùng một người bạn thân của mình là cô Nguyễn Thị Tuyết Lan thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Sản phẩm sạch Thiên Phúc.

    Nói về việc khởi nghiệp cùng bạn, cô Lan cười: “Tôi thấy bạn có ý tưởng hay vì cộng đồng nên góp công, góp của làm chung. Được Trung tâm Xúc tiền đầu tư, CLB khởi nghiệp của tỉnh hỗ trợ làm giúp các thủ tục, chúng tôi thành lập công ty và đăng ký sở hữu trí tuệ luôn rồi”.

    Để làm nhang, lá quao sau khi phơi khô sẽ được xay nhuyễn và phối trộn với các loại dược liệu thuốc Bắc. Sau đó, trải qua quá trình xe và phơi từ 2-3 giờ sẽ cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

    Công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất nhang sinh học là điều chỉnh độ nén của máy. “Công thức không được sai, khi làm sai hàm lượng thì sản phẩm sẽ ra không như mong muốn, để có sản phẩm như ngày nay, tôi đã đổi công thức 16 lần”- cô Đào chia sẻ.

    Trước khi đưa nhang vào thị trường, nhang sinh học của cô Đào được xử lý chống ẩm mốc theo cách riêng của cô và đem mẫu nhang xét nghiệm ở Trung tâm Dịch vụ phân tích xét nghiệm TP Hồ Chí Minh (Sở Khoa học- Công nghệ TP Hồ Chí Minh).

    Nhớ về lần đầu tiên đưa nhang ra thị trường, cô Đào kể: “Hôm đó, trời mưa dữ lắm, tôi và chị Lan lấy áo mưa che cho nhang để giao khách, còn mình thì ướt nhẹp”.

    Nhang sinh học có nhiều lợi ích, vừa đuổi muỗi vừa có hương thơm tự nhiên giúp tinh thần thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Để có sản phẩm hoàn chỉnh, các chị đã có 16 lần đổi công thức, cách làm.

    Do không có chất dễ cháy nên lượng khói hầu như không có, độ cháy mỗi cây kéo dài từ 80 đến 90 phút và cháy liên tục không bị tắt giữa chừng nên rất được ưa chuộng. Rồi, nhang Thiên Phúc bắt đầu hút hàng, được thị trường tin dùng.

    Nhờ đó, công ty mở rộng nhà xưởng và vùng trồng, phân phối khắp các tỉnh vùng ĐBSCL, một số tỉnh phía Bắc, TP Hồ Chí Minh và sắp đến là cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một hướng đi đầy tiềm năng cũng đòi hỏi nhiều cố gắng hơn “để xuất khẩu nhang sang thị trường Nhật Bản phải cải tiến thêm 2 lần nữa”.

    Hỗ trợ phụ nữ nghèo tăng thu nhập

    Không chỉ sản xuất loại nhang an toàn khi thắp, đuổi muỗi, Công ty Thiên Phúc còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động trong vùng vừa trồng lá quao, vừa làm nhang, nhất là chị em phụ nữ nông thôn không có thu nhập ổn định. Cô Đào nói: “Mục đích của chúng tôi là giúp các cô, các chị khó khăn có việc làm thêm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

    Cái hay của cô giáo Song Đào là kết hợp với người dân địa phương trồng vùng nguyên liệu cây quao bao tiêu sản phẩm với giá tốt cho người dân, có hơn 50 hộ tham gia. Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan- cho hay: “Những chị em phụ nữ khi rảnh có thể đến làm kiếm thêm thu nhập. Làm ở đây 1 ngày chị em kiếm được 70.000-100.000đ tùy theo thời tiết”.

    Bà Trương Thị Lan (xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc) ngày ngày vẫn đến cơ sở sản xuất nhang Thiên Phúc để làm nhang. Công việc của bà là đếm nhang cho vào bao, mỗi ngày thu nhập từ 30.000- 50.000đ.

    Bà cười móm mém: “Hồi đó ở nhà có làm gì ra tiền đâu, già rồi không làm gì nổi, giờ đếm nhang vô bao, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hễ mỏi lưng thì tui nghỉ. Vài chục ngàn không nhiều nhưng đủ để con cháu khỏi lo cho tui, tụi nó nghèo lắm”.

    Cùng ngồi làm nhang, cô Nguyễn Thị Lũy (57 tuổi, cùng ngụ xã Hòa Lộc) vui vẻ kể về công việc cô đã gắn bó gần 3 năm nay.

    “Nhà tui gần xưởng nên hễ chuẩn bị xong cơm nước, rảnh là tui đi qua làm nhang. Có thêm tiền chợ, cho con đi học và có dư chút đỉnh”. Cô Trần Thị Ánh (57 tuổi, ở cùng xóm) dù có nghề làm bánh bông lan và có ruộng sản xuất nhưng mỗi ngày đều dành thời gian rảnh qua làm nhang.

    “Mình tranh thủ thời gian làm để chi tiêu trong nhà thoải mái hơn, công việc xe nhang, đếm nhang hay phơi nhang cũng không nặng nhọc gì”- cô Ánh cười. Có 8 người làm nhang xuyên suốt ở công ty thì hầu hết đều gắn bó với công ty từ những ngày đầu khó khăn nhất. Cô Ánh nói: “Chị Đào, chị Lan là người phúc hậu, thương chị em phụ nữ khó khăn nên tạo công ăn việc làm”

    Cô Song Đào với cây quao thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường giờ là nguyên liệu làm nhang sinh học.

    Vườn hoa Đà Lạt của chị Lê Thị Bích Ngọc (Vĩnh Long), nhang sinh học của cô giáo Song Đào (Bến Tre) hay vườn ổi sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn của cô Lê Hồng Điệp (Cần Thơ) tuy khác nhau về ý tưởng và hình thức, thành công đến hiện tại cũng khác nhau nhưng các chị có chung nhiệt huyết và bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại, cùng mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh cho chị em phụ nữ mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp.

    Năm 2016 giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng lá cây quao nước trong sản xuất nhang xua muỗi” của cô Ngô Song Đào- giáo viên Sinh học Trường THCS Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) hướng dẫn đã đạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Sở GD- ĐT tỉnh Bến Tre tổ chức. Năm 2017 dự án này đạt giải khuyến khích vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp- nông nghiệp cấp quốc gia lần 3, năm 2017 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

  • Bài, ảnh: HẢI YẾN- CAO HUYỀN Theo http://www.baovinhlong.com.vn