• Online: 1 Lượt truy cập: 57939
  •   Đi chợ OCOP nghĩ chuyện đường xa!

  • Lần đầu tiên, bộ NN-PTNT tổ chức hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP – tại Bến Tre.Theo hội đồng OCOP tỉnh, có 45/52 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng. Trong đó có 14 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, 31 sản phẩm từ 4 sao trở lên.
  • OCOP được biết đến là tên gọi của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

    Từ cây nhang sinh học đến HTX cà gai leo

    Gần ba năm sau cuộc thi khởi nghiệp do trung tâm BSA tổ chức, gặp lại cô giáo Ngô Song Đào, nay là giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc, huyện Mỏ Cày Nam, đúng vào dịp sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc được công nhận OCOP ba sao của tỉnh Bến Tre. Cô nói: “Điểm yếu về hệ thống phân phối khiến thúc đẩy tôi suy nghĩ mở rộng thêm ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hà Nội, Nghệ An, Gia Lai”.

    Thực ra, hiện nay cô rất muốn vươn ra xa, nhưng chưa làm được, vì chưa có lời. Với giá 20.000 đồng (gói 85g) hay 50.000 – 75.000 đồng/gói lớn (100 cây nhang), nhang Thiên Phúc có cùng một công thức. Cô Song Đào cho biết vốn tự  lực, cộng số vốn của  tổ chức quốc tế tài trợ (AMD) khoảng 1 tỷ đồng, vừa đủ để trang bị dây chuyền sản xuất tự động nho nhỏ nuôi dưỡng ý tưởng tạo sản phẩm từ cây quao nước.

    Khởi nghiệp từ điểm xuất phát thấp, mơ ước làm được điều tốt là cách giảm áp lực cho mình, nên Song Đào đưa tiêu chí thật thấp để đạt mục tiêu. Nếu đạt được thì đó là động lực để tiến lên, lỡ thất bại cũng không vì vậy mà buồn rầu, cô chia sẻ.

    “Hồi xưa, đưa hàng ra thị trường chưa được, chạy ngoài đường mà nước mắt chảy dài. Rốt cuộc, tới nay đã vượt qua được hai năm, dù đầu vô cả tỷ đồng nhưng đầu ra chưa rút được một ngàn đồng để mua bánh, nhưng cái được là đam  mê của mình tạo ra sản phẩm tốt, làm cho người nhà, người dân sống trong vùng trồng có cuộc sống tốt hơn. Nhóm công nhân làm nhang sinh học có nhiều phụ nữ nghèo khó vì không có việc làm, cuộc sống đã khá hơn.Có bà cụ đã 80 tuổi nói rằng việc làm của bà là đếm, một cách luyện trí nhớ.Làm hai năm rồi, tiền cũng nhiều nhiều, nhưng niềm vui lớn nhất là bộ nhớ vẫn còn tốt lắm”.

    “Khởi nghiệp thành công hay không chưa biết, nhưng mẹ có được giấc ngủ ngon nhờ dược tính từ nhang sinh học tự nhiên, thì đó là niềm vui lớn nhất”, giám đốc công ty Thiên Phúc nói.

    Hợp tác xã (HTX) nông – lâm nghiệp Bảo Hiệu, Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình đi vào hoạt động cách đây bốn năm, lúc mới thành lập quy mô 10ha, tới nay quy mô tăng gấp bốn lần, năng lực cung ứng thị trường 360 tấn khô/năm. Anh Bùi Quý Hợi, giám đốc HT X, cho biết: “HTX có 12 thành viên, đã liên kết 120 hộ dân, đầu tư giống và bao tiêu lúa với giá ổn định. Nhưng thu nhập từ lúa chỉ chừng ấy. Xã Yên Thuỷ vẫn là xã nghèo”.

     

    Bốn năm trước, dự án giảm nghèo đưa cây cà gai leo về Yên Thuỷ, làm điểm ở xã Đa Phúc, HTX nghĩ tới việc làm giống, nhân giống dược liệu quý này. Anh Hợi tổ chức ươm cây giống và cung giống trong, ngoài tỉnh.Tới nay năng lực cung cấp hơn 300.000 cây giống/năm.

    Cà gai leo có dược tính cao, có nhiều công dụng giải độc gan, hạ men gan, giải rượu, hỗ trợ điều trị viêm gan B, gan nhiễm mỡ… Anh Hợi tìm chuyên gia tư vấn ở các trường và gặp sở, ngành của Hoà Bình để nhờ hướng dẫn và liên kết với công ty Hải Yến để làm cao.Hiện nay đã hoàn thiện bao bì, nhãn mác đưa ra thị trường.

    “HTX đi theo hướng sản phẩm giá trị gia tăng hơn là bán thô. Một sản phẩm khi qua chế biến,  HTX thu tiền về cao gấp năm, thậm chí mười lần”, anh Hợi nói và cho biết thêm: tỉnh Hoà Bình chọn cà gai leo là sản phẩm OCOP và anh muốn liên kết nhiều hộ có quy mô diện tích 2.000 – 3.000 m2 thành một cộng đồng, để thực hiện quy trình chuẩn chất, tăng thêm nguồn lực cho sản phẩm OCOP.

    OVOP là cách truyền cảm hứng

    Cách trả lời câu hỏi: “Thử giới thiệu vài sản phẩm là “ứng viên” cho chương trình OCOP tại địa phương?”, từ những người tham gia gian hàng chào bán sản phẩm OCOP tại hội chợ, cho thấy từ nhận thức khi chọn lựa, đánh giá sản phẩm tới cảm xúc giữa các địa phương không giống nhau. Ngược lại, suy nghĩ khá giống nhau là “mỗi làng phải có một sản phẩm”. Cách liệt kê, dàn đều các nguồn nguyên liệu sẵn có y như giới thiệu sản phẩm đặc trưng hay những mặt hàng được nuôi trồng phổ biến lâu nay ở huyện, xã.

    Cha đẻ “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) TS Morihiko Hiramatsu từng chia sẻ: Hãy xem OVOP là cách truyền cảm hứng giúp cho các cộng đồng nhận ra tài nguyên và sự giới hạn phát triển. Từ đó gợi mở ý tưởng sử dụng tài nguyên địa phương theo cách liên tục cải thiện để có giá trị cao hơn, tạo ra sản phẩm độc đáo thông qua học tập và cam kết. Điều này sẽ khiến cho việc chuyển đổi từ cộng đồng linh hoạt hơn mà vẫn kiểm soát cuộc sống, sản xuất và văn hoá bản địa.

    TS Morihiko Hiramatsu qua đời ở tuổi 92 vào ngày 21/8/2016. Ở giai đoạn khởi đầu chương trình OVOP, với tư cách là thống đốc tỉnh Oita, Morihiko Hiramatsu, vị thống đốc đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, làm nhân viên bán hàng cho các nhà sản xuất địa phương tại các lễ hội văn hoá và chợ ở thủ đô Tokyo (chanh Kobosu, thịt bò Bungo – đứng đầu cuộc bình chọn thịt bò Nhật Bản năm 2002, nấm shiitake Oita là một trong những loại tốt nhất, chiếm khoảng 28% tổng sản lượng của Nhật Bản). Những người trung gian đã rất ấn tượng bởi chính trị gia nhiệt tình này, họ đã trả giá đấu thầu cao hơn cho các sản phẩm của Oita. OVOP trở thành tâm điểm chú ý của toàn nước Nhật và cho đến nay, chương trình này được áp dụng tại Thái Lan, Campuchia, Bangladesh, Haiti và Malawi, kể cả Los Angeles, Mỹ.

    “Ngày nay, khi các vấn đề thực tiễn đặt ra nhiều thách thức, thì với những giải pháp khả dụng toàn cầu cho phép thúc đẩy suy nghĩ sáng tạo từ các địa phương”, TS Kaoru Natsuda, nguyên cố vấn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Ernst & Young Shin Nihon tại Tokyo nói: Hiramatsu đã nhìn ra khía cạnh quan trọng nhất của chương trình OVOP, là phát triển nguồn nhân lực. Ông  chú ý xây dựng năng lực cho người dân Oita bằng cách thúc đẩy học tập kinh nghiệm tích cực, các giải pháp được áp dụng bởi chiến lược, giá trị địa phương, thể chế, và nguồn lực cộng đồng hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu.

    Hiện nay, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã xây dựng dề án OCOP. An Giang chuẩn bị phê duyệt đề án OCOP trong tháng 6.2019, có sự tham gia của các nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Phú Son, trường ĐH Cần Thơ, cho biết. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề, khi mục tiêu OCOP gắn mục tiêu nâng cao năng lực cải thiện sinh kế nông thôn mới, vậy cơ sở ở đô thị có công nghệ tiên tiến làm dịch vụ phát triển chuỗi sản phẩm giá trị tăng thêm, có được xem là “chính chủ” của sản phẩm OCOP, hay chỉ là “kẻ đồng hành” và nằm ngoài chính sách hỗ trợ?

     

     Với sự can thiệp công nghệ, cộng đồng địa phương có thể cải thiện sinh kế, đóng góp nhiều hơn vào chương trình nông thôn mới từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ, nhưng khi sản phẩm OCOP cần tới nguyên liệu tương tự ở địa phương khác, thì chính sách nào sẽ hỗ trợ họ khi mỗi làng một sản phẩm, tỉnh nào lo tỉnh nấy? 

     

  • Hoàng Lan – Bích Hiệp (theo TGHN) - http://thegioihoinhap.vn