Biết chúng tôi thắc mắc nguyên nhân vì sao lại chọn cây Quao để làm loại nhang rất đặc biệt; cô Ngô Song Đào, 47 tuổi, giáo viên trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre giải thích: Quao là loại cây tạp có rất nhiều tại Bến Tre. Trước đây người dân chỉ trồng để chống sạt lỡ đất tại các kênh, rạch, ao mương vườn. Phần lá Quao không sử dụng được vào mục đích khác. Cạnh đó còn rơi xuống mặt nước gây ô nhiễm nguồn nước. Từ đó chị đã nghiên cứu phương pháp lấy lá Quao pha trộn với một số hương vị khác như: vỏ cây bời lời, vỏ quýt, vỏ bưởi, cây đinh lăng, đinh hương, oải hương, bột quế… để chế biến thành nhang, vừa không gây ô nhiễm, vừa tăng thêm thu nhập cho người trồng, tránh lãng phí.
Ảnh: Cô giáo Ngô Song Đào ( bìa phải)
Chị Đào kể thêm: “ ý tưởng thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào sản xuất thì gặp muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được. Tôi đã thất bại hàng chục lần nhưng kiên quyết không bỏ cuộc. Cứ sau mỗi lần như vậy mình lại có thêm kinh nghiệm để loại bỏ những khiếm khuyết và thành công như hôm nay”
Quao là loại cây có sức sống rất mãnh liệt, thích ứng được với mọi thời tiết khắc nghiệt như nắng hạn lẫn mưa dầm. Người trồng không phải chăm bón bất kỳ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Lá Quao lại có hương thơm dịu ngọt và có khả năng xua đuổi muỗi và một số loại côn trùng khác rất hiệu quả như : ruồi, vắt, bù mắt, ...
Ông Nguyễn Văn Thuận, ngụ xã Phước Hiệp kể: “ Hồi nhỏ mỗi khi đi bắt tôm cá dưới sông, rạch vào ban đêm, người dân Bến Tre thường lấy lá Quao chà xát vào tay chân để không có loại côn trùng nào đeo bám. Cạnh đó thì cây Quao có khả năng giữ đất không bị xói lở rất lạ kỳ. Từ đó nhiều người dân trồng chúng xung quanh ao mương”.
Ảnh: Lá Quao có rất nhiều tại Bến Tre (nguồn: T.T. Liêm)
Sau khi tốt nghiệp khoa Sinh của trường Cao Đẳng Sư Phạm Bến Tre năm 1991, cô giáo Ngô Song Đào về trường THCS xã Phước Hiệp cho đến nay. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2016, loại nhang từ lá Quao đầu tiên đã được sản xuất thành công từ cô giáo vùng quê sâu với những ưu điểm khá vượt trội như: Người sử dụng có thể vừa dùng nhang để dùng vào mục đích tâm linh trong gia đình lại vừa có khả năng xua muỗi rất hiệu quả. Cạnh đó loại nhang này không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất độc hại nào nên rất đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Cạnh đó nhang Quao không có chất dễ cháy nên lượng khói hầu như không có; độ cháy mỗi cây kéo dài từ 80 đến 90 phút ( mỗi cây có chiều dài 30 cm) và cháy liên tục không bị tắt ngấm giữa chừng nên rất được nhiều người ưa chuộng vì giá thành hiện nay chỉ 20.000 đồng/tép (44 cây); loại 60.000 đồng (100 cây). Sản phẩm nhang Quao của chị Đào có tên sinh học là Thiên Phúc và đã có mặt tại nhiều các địa phương như: Hà Nội, TPHCM, các tỉnh ĐBSCL, ...do đã được kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; đăng ký sỡ hữu trí tuệ tại các cơ quan chức năng. Giá lá Quao khô được chị thu mua hiện nay là 20.000 đồng/kg ( bình quân 3 ký lá tươi sẽ cho được 1 ký lá khô sau 1 đến 2 ngày phơi)
Ảnh: Nhang lá Quao mang tên sinh học Thiên Phúc (nguồn: T.T. Liêm)
Bà Trầm Nguyên Ý, ngụ TP Vĩnh Long nhận xét: “ từ năm 2016 đến nay, cả khu vực tôi ở đều sử dụng loại nhang sinh học Thiên Phúc này bởi hương thơm dịu, đốt lâu tàn, không độc hại, ít khói và có thể sử dụng trong điều kiện nhà đóng kín khi mở máy điều hòa”.
Điều rất đặc biệt là sản phẩm này đã đạt giải khuyến khích cấp quốc gia về cuộc thi khởi nghiệp năm 2017. Tháng 10/2018, nhang sinh học Thiên Phúc với nhà sáng tạo Ngô Song Đào tiếp tục vượt qua hàng trăm mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ xứ dừa để đăng quang giải nhất rất xứng đáng.
Càng trân trọng hơn khi người nữ giáo viên vùng sâu đã làm nên một chuyện nhân ái rất nhân văn là hiện tại công ty sản xuất mang tên Thiên Phúc do chị làm giám đốc có 10 lao động, trong đó 100% là lao động nữ và có tuổi đời trên 50, trong đó cá biệt có người đã xấp xỉ tuổi 80.
Lý giải về việc này, chị Đào cho biết: “ tôi làm vậy để chị em phụ nữ lớn tuổi hoàn cảnh gia đình khó khăn; trình độ học vấn còn hạn hẹp; không có ruộng, vườn sản xuất có được việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu mỗi người/tháng tùy theo công việc mỗi ngời. Mỗi ngày làm việc 7 tiếng. Thứ bảy và chủ nhật nghỉ”.
Bà Nguyễn Thị Hai, 79 tuổi kể trong sự xúc động: “nhà nghèo được cô Đào dạy nghề miễn phí, bố trí việc làm nhẹ nhàng; được “bao cơm” miễn phí, mỗi tháng còn có được 3 triệu đồng để giành. Tui mang ơn cô Đào rất nhiều”
Hiện nay, cơ sở của cô Đào có 3 máy sản xuất hoạt động. Mỗi tháng doanh thu đạt từ 100 đến 130 triệu đồng và con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi cô Đào đang chuẩn bị mở rộng qui mô sản xuất và đang cải tiến kỹ thuật qui trình trên những máy hiện có.
Hiện nay, cô giáo Ngô Song Đào đang nghiên cứu một dự án khác để tận dụng một số lá cây tạp đang rất lãng phí tại Bến Tre. Chúng tôi chúc cô sẽ tiếp tục gặt hái thành công mới và đang mong chờ kết quả của dự án vừa nêu.