• Online: 1 Lượt truy cập: 51980
  •   Nhọc nhằn phụ nữ làm khoa học

  • Nhiều phụ nữ đã chọn cho mình con đường khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học- “địa hạt” mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, thành công và sự đóng góp quan trọng của họ trong các lĩnh vực khoa học, xã hội khiến ngay cả “phái mạnh” cũng phải ngả mũ thán phục. Luôn phải đánh đổi
  • Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh được biết đến với những công trình nghiên cứu có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên. Đến nay, bà đã xuất bản gần 30 đầu sách (một số viết chung), hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Trong đó, nhiều nhất là các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, và một khối lượng lớn là lịch sử Đảng bộ các địa phương trong tỉnh. Một số cuốn sách của bà đã trở thành cẩm nang, nguồn tư liệu quý để tham khảo cho những người quan tâm, muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên như: “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên”, “Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn lịch sử-văn hóa”, “Tín ngưỡng tôn giáo Bahnar, Jrai”, “Chuyển biến kinh tế-xã hội Bắc Tây Nguyên 1945-1995”… Gần đây nhất là công trình nghiên cứu “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay” với dung lượng đồ sộ gần 1.000 trang, được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá là công trình xuất sắc.

    “Nhưng không có cái gì là không phải đánh đổi”-tiến sĩ Vân khẳng định khi nhìn lại chặng đường 30 năm dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Bà nói, cũng vì dành quá nhiều tâm sức cho khoa học mà bà chỉ dám sinh một đứa con và cũng suýt mất đi đứa con đó. Bà trải lòng: “Khoảng năm 2000, khi cậu con trai học lớp 7-cái tuổi nổi loạn rất cần sự quan tâm của cha mẹ, tôi lại đang làm nghiên cứu sinh, xa nhà nhiều tháng mới về. Mặc dù ở nhà, con không có biểu hiện gì khác nhưng linh cảm của người mẹ thôi thúc tôi phải gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm. Những gì cô nói về con khiến tôi hoang mang: 3 môn chính dưới điểm trung bình. Con trở thành “đầu gấu” trong lớp, thường xuyên tụ tập chống đối cô giáo. Suốt một tuần liền, tôi tâm sự thế nào con cũng chỉ “lì mặt ra” không nói. Tôi tuyệt vọng vô cùng, thầm trách bản thân học hành nhiều làm gì để có một đứa con cũng sắp vuột khỏi vòng tay. Đêm đó, tôi nằm khóc hết từ gan ruột cho những điều đang nghĩ trong lòng. Thế rồi, con trai tôi đến ôm lấy mẹ, và cháu bắt đầu tâm sự… Kể từ đó, tôi dành nhiều thời gian hơn cho con, nhưng với vai trò là người phụ nữ trong gia đình, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đạt danh hiệu phụ nữ “hai giỏi”. Tôi phải cảm ơn người bạn đời của mình rất nhiều vì những giúp đỡ thầm lặng phía sau. Nếu không có sự hậu thuẫn ấy, chắc chắn không có được những thành công của tôi hôm nay”.

    Giờ đây, cậu con trai từng lấy đi không ít nước mắt của bà đã trở thành kỹ sư điện tử và đang làm việc tại Nhật Bản. Nhìn lại chặng đường đã qua, tiến sĩ Vân đúc kết: Làm mẹ hay làm khoa học đều phải có cái tâm, phải quan tâm, chăm bẵm đứa con ấy bằng tất cả yêu thương mới có được thành quả.

    Dấn thân vào khó khăn

    Làm thế nào để gia đình, nhất là người bạn đời chấp nhận làm thay công việc của một người phụ nữ để họ có thể chuyên tâm cho công việc nghiên cứu? Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ (giáo viên trường THPT Chuyên Hùng Vương) chia sẻ: “Tôi truyền cảm hứng cho cả gia đình vào công việc của mình, cuốn mọi người vào công việc nghiên cứu như phân công cho ông xã làm việc này việc kia, hướng dẫn cho các con làm quen với máy móc, thuyết trình trước đám đông… Khi đó, mọi người hiểu được công việc tôi đang làm, sẵn sàng giúp đỡ việc nhà”. Cũng chính nhờ “bí quyết” này, bà đã truyền niềm đam mê nghiên cứu cho cậu con trai ngay từ khi còn nhỏ. Từ sân chơi khoa học dành cho lứa tuổi học đường, con trai bà được tuyển thẳng vào Đại học Y TP. Hồ Chí Minh. Không dừng lại ở đó, em đã cố gắng vượt qua nhiều vòng sơ tuyển để giành học bổng du học ở Pháp về lĩnh vực y khoa, tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học theo con đường của mẹ.

    Là một người phụ nữ trong gia đình, nhiều khi bà cũng gặp phải những áp lực. Bà trải lòng: “Có người hỏi tôi bỏ thời gian, công sức, rồi biến tổ ấm thành cái trung tâm nghiên cứu, mọi ngóc ngách đều thấy vết tích của công việc… để được cái gì. Tôi chỉ biết cười trừ. Nhiều khi trong gia đình cũng xảy ra những mâu thuẫn vì tôi dành quá nhiều thời gian sức lực cho việc nghiên cứu… Những tác động ấy nhiều lần khiến tôi muốn từ bỏ. Nhưng khi tĩnh lặng để suy nghĩ, tôi thấy mình được rất nhiều, hiểu được mình đang tạo ra giá trị gì cho cuộc sống. Những lứa học trò sau khi được tôi hướng dẫn đều nắm chắc phương pháp nghiên cứu khoa học và trong nhiều lĩnh vực khác. Các em bản lĩnh hơn, tự tin hơn. Tôi muốn truyền ngọn lửa đam mê, phong cách làm việc khoa học cho thế hệ trẻ, đó mới chính là cái mang lại thành công cho các em trong tương lai”.

    Xác định theo đuổi khoa học là dấn thân vào khó khăn, nhất là làm khoa học với nữ giới còn rất nhiều trở ngại. Nhưng họ đã tôn vinh giá trị của nữ giới bằng những sản phẩm khoa học hoàn toàn thuyết phục công chúng
    Cô giáo vùng quê mê làm khoa học
    Trong 26 năm giảng dạy tại Trường THCS Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre), cô Ngô Song Đào đã hướng dẫn nhiều học sinh đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi về khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.

    Riêng cô có một đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai vào sản xuất, đó là nhang sinh học làm từ cây quao nước.

    Cô Đào cho biết đề tài khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng lá quao nước trong sản xuất nhang xua muỗi” của cô “thai nghén” thời gian dài vì không có tiền thực nghiệm, ứng dụng trong thực tế. Đến cuối năm 2017, nhờ sự hỗ trợ vốn từ phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp” do Tỉnh ủy Bến Tre phát động, cô mới sản xuất được nhang sinh học mang thương hiệu Song Đào.

    Chia sẻ về việc ứng dụng thành công đề tài, cô Đào kể, quê cô có rất nhiều quao nước và từ nhỏ đã thấy người lớn vò lá quao non chà vào người trước khi đi rừng để không bị muỗi đốt. Những kinh nghiệm dân gian đó được cô kết hợp với hiểu biết khoa học của bản thân để sản xuất và thương mại hóa nhang sinh học có đủ 3 đặc tính cho người dùng là giảm căng thẳng, không bị muỗi đốt, xua đuổi các côn trùng khác xung quanh. Nguồn nguyên liệu chính là lá quao xay nhuyễn.

    Nhưng chính cô Đào cũng không ngờ mình phải trải qua đến 16 lần thất bại, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng trong quá trình áp dụng đề tài vào thực tế mới có được thành quả bước đầu như hôm nay. Hiện nhang thương hiệu Song Đào đã có mặt tại các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và cơ sở của cô Đào đang gia công cho một số doanh nghiệp xuất khẩu nhang.

    Cô Đinh Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Hiệp, cho biết cô Đào hiện là Trưởng bộ môn sinh học của trường, là chiến sĩ thi đua cơ sở trong nhiều năm và là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trên 10 năm liên tục. Đặc biệt, trong năm 2017, cô Đào là giáo viên duy nhất trong tỉnh được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen dành cho “giáo viên sáng tạo” và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi cảm thấy tự hào vì cô Đào đã nhiều năm hướng dẫn các em học sinh nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cô ấy rất tích cực, nếu không muốn nói là lấy công việc làm niềm vui cho bản thân”, cô Thanh Tuyền nói.

  • Mai Hoa tổng hợp (Theo Bộ Nội vụ, Thanh niên) - tainangviet.vn