• Online: 1 Lượt truy cập: 52029
  •   Nhang sinh học làm từ lá quao: vừa lành vừa lợi

  • Khói nhang độc hại và có nguy cơ gây bệnh ung thư nếu hít phải quá nhiều. Tại Bến Tre, một cô giáo đã tạo nên nên nhang sinh học từ lá quao nước.
  • Nhang an toàn hai trong một

    Cô Ngô Song Đào, giáo viên sinh học trường THCS Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre thường thấy dòng chữ “Mỗi người chỉ đốt một cây nhang” ở đền chùa, và qua tìm hiểu, cô biết vì nhang khói sản xuất từ hóa chất có hại cho sức khỏe. Cô nảy ra ý tưởng tìm nguyên liệu làm nhang mà khi đốt phải an toàn cho sức khỏe.

    Lớn lên từ vùng quê Phước Hiệp, cô thấy người dân khi đi xúc, tát mương hay làm đất thường dùng lá cây quao vò nát rồi bôi lên da của mình, mùi lá quao khiến con bù mắt sợ không dám bám bu vào đốt gây ngứa. Nhiều gia đình dùng lá quao un khói xua muỗi.

    Ở Bến Tre, cây quao nước rất dễ trồng ven sông rạch, mương, vườn. Hàng năm nước biển xâm nhập từ 3-4 tháng với độ mặn trên 4%, cây quao vẫn sống được. Đây là loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhận thấy lá quao có tác dụng xua đuổi côn trùng gây hại, từ đây, chị quyết định sử dụng lá của cây quao nước để làm nguyên liệu cho việc sản xuất nhang.

    Thành phần chính của Nhang Song Đào là lá cây quao –loại cây phổ biến ở Bến Tre Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Nhưng lá quao không có tinh dầu, khó cháy, cô nghiên cứu tìm ra hai nguyên liệu thuốc bắc cùng một số thảo dược khác vừa có tinh dầu, vừa có hương thơm, kết hợp cùng lá quao thành nguyên liệu cho cây nhang sinh học. Năm 2015, những cây nhang sinh học đầu tiên ra đời, khi đốt lên có mùi hương dễ chịu, đặc biệt không có muỗi trong suốt thời gian khói nhang lan tỏa.

    Sản xuất nhang đặc tính ưu việt như vậy nhưng cô Đào lại không có điều kiện đưa ra thị trường. Năm 2016, cô xây dựng dự án và đăng ký dự thi “Khởi nghiệp nông nghiệp”. Và thật bất ngờ, ý tưởng nhang sinh học của cô Ngô Song Đào đã đoạt giải chung kết cấp quốc gia tổ chức tại TP.HCM tháng 12-2017. 

    Từ ý tưởng thành hiện thực

    Sản phẩm nhang sinh học chính thức được hoàn thiện sau 12 lần phối trộn thử nghiệm. Nhang có loại 27cm và 36cm, thân bằng tre không nhuộm phẩm màu. Trước khi đưa nhang vào thị trường, cô giáo Đào đem mẫu nhang xét nghiệm ở Trung tâm dịch vụ phân tích xét nghiệm TP.HCM và được xác nhận là an toàn với các loại khí kháng sinh, không có độc tố CO, NO2, SO2,…

    Sau khi trộn nguyên liệu, nhang được se bằng máy.

    Trở về, cô thành lập công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc tại xã Phước Hiệp, Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Có được nhang chất lượng tốt rồi, cô tự tìm cho mình khách hàng thân tín, đó là những bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, nhà chùa… Thầy Đặng Tiền Thắng, hiệu phó trường THCS Phước Hiệp cho biết: Tôi bị viêm mũi mãn, không chịu được mùi nhang trên thị trường, nay dùng thử nhang của cô Song Đào, khi soạn bài, đốt nhang xua muỗi trong phòng đóng kín, không thấy khó chịu. Nhang sinh học của cô Đào có mùi hương của đồng nội, rất dễ chịu, muỗi lại tránh xa.

    Nhanh sinh học của Cô Đào được đưa vào thị trường vào cuối năm 2017.

     

    Ngày nay, nhang sinh học của cô Song Đào có nhiều đại lý ở ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp,… Ngoài ra, công ty còn gia công nhang sinh học xua muỗi xuất khẩu cho một cơ sở ở TP.HCM và hai cơ sở ở Hà Nội.

    Tạo công ăn việc làm cho bà con

    Cơ sở sản xuất nhang của cô Đào đã tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động, giải quyết lao động nhàn rỗi cho người già, phụ nữ, trẻ em. Theo cô Đào, sơ chế nguyên liệu lá quao khô là việc nhẹ nhàng, thích hợp cho mọi độ tuổi ở quê lúc nông nhàn, học sinh, người ngoài tuổi lao động đều làm được. Thu mua nguyên liệu lá quao làm nhang sinh học sẽ giúp các em học sinh có tiền cho chi phí học tập, người già có thu nhập cho sinh hoạt hàng ngày. 

    Cụ bà Trương Thị Lan 86 tuổi ở ấp Hòa Hưng, xã Hòa Lộc kiếm thêm thu nhập từ việc phơi lá quao

    Chị Võ Thị Phụng, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Hiệp cho biết: “Hội đã phát động các chị gia đình có đất trong 10/10 chi hội, trồng cây quao nước nơi ven mương vườn, sông rạch tạo thêm thu nhập cho gia đình”.

    Khởi nghiệp sản xuất nhang sinh học của cô giáo Ngô Song Đào đã đem lại lợi ích cho người sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho nhiều người, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe.

  • Theo KhoePlus - Thế Nhã - Theo https://queminhngaymoi.vn